LTS: Chúng ta biết, lễ khai giảng là dành cho các em học sinh. Nhưng các em phải tập dượt vất vả, phải đến sớm xếp hàng, phải đứng phơi nắng, dầm mưa cầm cơ hoa tung hô lãnh đạo.
Vậy làm sao để có ngày lễ khai giảng thực sự là của học sinh. Cô giáo Phan Tuyết đưa ra gợi ý sau, Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.
Mấy ngày qua, nhiều thầy cô giáo rất vui trước lời phát biểu, lời đề nghị của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tổ chức lễ khai giảng phải thật sự vì học sinh. Ngoài nghi lễ chào cờ, đọc thư Chủ tịch nước và lời phát biểu ngắn gọn của hiệu trưởng là phần dành cho các em.
Bao năm nay, các trường học trong cả nước đã biến buổi lễ khai giảng thành diễn đàn để nhà trường “tung hô thành tích” của mình cho quan khách nghe, khách mời lại luôn cho mình là nhân vật quan trọng, hết ghi nhận, biểu dương những thành tích đạt được của nhà trường trong năm học vừa qua, lại đưa ý kiến nhắc nhở, dặn dò thầy cô, học sinh phải làm thế này, phải làm thế nọ để giữ vững những thành tích ấy, mặc cho những điều này mọi người đã được nghe nhiều trong các buổi lễ tổng kết, trong các cuộc họp biểu dương. Cuối cùng là đưa ý kiến chỉ đạo.
Thầy cô giáo thì hờ hững vì nghe quá nhiều những điều giáo huấn ấy, chỉ có Ban giám hiệu luôn tươi cười để đáp lại những lời “vàng ngọc” mà cấp trên vừa phát biểu bằng việc nói lời cám ơn sự quan tâm và sẽ ghi nhận những điều cấp trên đã gửi gắm.
Nhiều chuyện nực cười đã xảy ra khi có đại biểu dự ở trường này mà quên lại đọc tên trường khác hay năm học này mà nói là năm học trước bởi copy lại bài viết của năm trước nhưng sửa chưa hết.
Nhiều vị đại biểu hình như chưa được nói bao giờ thay vì nói đôi lời cho phải phép lại “chiếm sóng” đến gần ba chục phút.
Để lễ khai giảng thật sự là ngày hội của các em thì phần lễ chỉ nên rút gọn trong vòng vài chục phút.
Phần hội là những tiết mục văn nghệ của các lớp, các cá nhân năng khiếu, là sự giao lưu giữa người dẫn chương trình với các em học sinh toàn trường. Những câu hỏi, câu đố vui đặt ra để các em tham gia trả lời lấy thưởng.
Khuyến khích, động viên các em bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình trước thềm năm học mới. Cần động viên, khuyến khích học sinh mạnh dạn chia sẻ những điều muốn nói, mặc dù những câu hỏi còn quá ngô nghê, những câu trả lời của các em còn vụng về nhưng đó là những tâm tư, những nỗi niềm được bày tỏ một cách tự nhiên, chân thành nhất.
Tránh tình trạng các em phải tập dượt, học thuộc và nói theo kịch bản đã soạn trước của thầy cô như kiểu làm từ trước đến nay.